Lễ quốc tang nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu diễn ra trong hai ngày và lễ viếng bắt đầu từ 8h hôm nay, 14/8.

Linh cữu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia, Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Linh cữu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia, Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Từ sáng sớm, các chiến sĩ tiêu binh thực hiện nghi lễ treo băng tang lên Quốc kỳ tại quảng trường Ba Đình, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hai ngày quốc tang, công sở trong cả nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài… treo cờ rủ

Lực lượng công an lập chốt chặn ở các tuyến đường quanh Nhà tang lễ quốc gia nhằm hạn chế phương tiện qua lại. Để phòng chống dịch Covid-19, Ban tổ chức lễ tang bố trí bàn đo nhiệt độ và rửa tay sát khuẩn cho tất cả những người đến viếng. Trời Hà Nội đổ mưa nhiều nơi trước khi lễ viếng bắt đầu.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Giang Huy

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Giang Huy

Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng vào viếng đầu tiên, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn. Tiếp theo là đoàn Chính phủ, đoàn Quốc hội, đoàn Chủ tịch nước, Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với gia quyến nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Giang Huy

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với gia quyến nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Giang Huy

Sau khi thắp hương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bước chậm rãi quanh linh cữu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, đặt tay lên linh cữu phủ Quốc kỳ.

Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước lần lượt vái chào và bắt tay chia buồn với gia quyến.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Giang Huy

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Giang Huy

Tại hội trường Thống Nhất TP HCM, Đoàn Thành uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc thành phố… do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn vào viếng.

Trong sổ tang, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân viết, với trí tuệ và bản lĩnh kiên cường, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng “lãnh đạo đất nước kiên định đi theo con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt, trực tiếp góp phần thúc đẩy đổi mới đất nước về mọi mặt, đã để lại dấu ấn đậm nét trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”…

“Xin gửi đến gia quyến nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu lời chia buồn sâu sắc nhất”, ông Nhân chia sẻ.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nghỉ hưu tại TP HCM... vào viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại Hội trường Thống Nhất, sáng 14/8. Ảnh: Hữu Khoa

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn lãnh đạo thành phố vào viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Hữu Khoa

Tại Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, vào viếng tại hội trường 25B.

Lúc 9h, trời đổ mưa ở TP Thanh Hóa. Ban tổ chức lễ tang trước đó đã cho dựng sẵn những căn nhà bạt lớn che mưa. Sau đoàn lãnh đạo tỉnh là các đoàn sở ngành địa phương và nhiều đồng đội, người dân đến viếng.

Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Tham mưu phó, Quân khu 4 sáng nay lặn lội vượt quãng đường hơn 150 km cùng đoàn cựu chiến binh quân khu Trị Thiên từ Nghệ An ra TP Thanh Hoá, viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Trước di ảnh của người thủ trưởng cũ, đại tá Lạn đứng trầm ngâm hồi lâu.

Ông cho hay, “cảm xúc rất buồn như mất người thân” khi nghe tin nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ trần. “Ở chiến trường cũng như sau này hòa bình, tôi nhiều lần gặp anh Phiêu, lúc nào cũng tình cảm như anh em trong nhà. Anh giữ nhiều trọng trách nhưng luôn giản dị, hòa đồng với chúng tôi, đặc biệt rất thương các chiến sĩ”, ông Lạn kể.

Đại tá Hồ Hữu Lạn. Ảnh: Lê Hoàng

Đại tá Hồ Hữu Lạn. Ảnh: Lê Hoàng

Đầu năm 2019, đại tá Lạn ra Hà Nội tặng sách “Hồi ký trung đoàn một thời chiến trận” cho người thủ trưởng cũ. Cuốn sách do ông viết, vinh dự được nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu viết lời đề tựa. “Lúc đó anh Phiêu còn khoẻ mạnh, minh mẫn. Tuy nhiên, trong lần gặp mặt dịp sinh nhật (ngày 25/12/2019), tại tư gia ở Hà Nội, anh đã rất yếu…”, ông Lạn ngậm ngùi.

Trong lễ viếng ở Hà Nội, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, chia sẻ, ông coi nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu như người đỡ đầu cho ngành xuất khẩu phần mềm Việt Nam. Thay vì quan điểm “quản đến đâu, mở đến đấy”, nguyên Tổng bí thư giai đoạn 1997-2001 tin rằng công tác quản lý phải theo kịp sự phát triển, “cứ mở trước rồi quản sau” và phải cho thế giới thấy “người Việt Nam biết cầm đũa thì cũng biết dùng bàn phím”. Tư tưởng này của ông đã ảnh hưởng đến hàng loạt “quyết sách mở đường” của Chính phủ và Bộ Chính trị bấy giờ như chỉ thị 58, nghị quyết 07 hay quyết định 128, giúp hình thành nên ngành công nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam.

Lễ viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được tổ chức từ 8h ngày 14/8 đến 12h ngày 15/8 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; lễ truy điệu vào 12h30 cùng ngày, an táng tại nghĩa trang Mai Dịch. Cùng thời gian này, tại hội trường Thống nhất (TP HCM), hội trường 25B đường Quang Trung (TP Thanh Hóa) cũng tổ chức lễ viếng, truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.

Ban lễ tang gồm 35 thành viên, do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ trần lúc 2h52 ngày 7/8 ở tuổi 89, tại Hà Nội. Ông sinh năm 1931, quê xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Từ năm 1964 đến năm 1992, ông lần lượt giữ các chức vụ trong quân đội: Chính uỷ kiêm Trung đoàn trưởng; Phó chủ nhiệm chính trị quân khu Trị Thiên; Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn II; Phó chính uỷ kiêm Chủ nhiệm chính trị quân khu IX; Phó bí thư khu uỷ Khu IX; Thiếu tướng, Chủ nhiệm Chính trị, Phó tư lệnh chính trị mặt trận 719; Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN.

Năm 1991 tại Đại hội lần thứ VII của Đảng, ông được bầu là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương. Tháng 6/1992 tại hội nghị Trung ương 3 (khóa VII), ông được bầu vào Ban bí thư; đến tháng 1/1994, được bầu vào Bộ Chính trị và tháng 4/1996 được phân công là Thường trực Ban bí thư.

Năm 1996, tại Đại hội lần thứ VIII, ông tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị.

Ngày 26/12/1997 tại hội nghị Trung ương 4 (khoá VIII) ông được bầu làm Tổng Bí thư, và giữ cương vị này đến tháng 4/2001.

Viết Tuân – Hoàng Thùy – Lê Hoàng – Võ Hải – Giang Huy – Hữu Công

Nguồn VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Time limit is exhausted. Please reload the CAPTCHA.