Ngày 03/01, Đoàn giám sát của Quốc hội do bà Nguyễn Thúy Anh, UVBCH Trung ương Đoàn, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội làm Trưởng đoàn đã đến giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại tỉnh Kiên Giang. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn đã tiếp đoàn.

 

QH-B.jpg

Quang cảnh buổi làm việc.

 

Trong thời gian qua công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tiếp tục được củng cố và tăng cường; nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng đã có sự chuyển biến tích cực, tình trạng an toàn thực phẩm đã được cải thiện đáng kể, số vụ ngộ độc thực phẩm đông người giảm dần, kết quả các chỉ tiêu đề ra hàng năm và trong giai đoạn đều đạt theo kế hoạch.

Việc giám sát, kiểm tra, đánh giá công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm của UBND các cấp đã được thực hiện thường xuyên. Qua công tác kiểm tra, đánh giá cho thấy UBND các cấp đã hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhân dân theo quy định của pháp luật. Công tác thanh, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, số cơ sở thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm tăng từ 76,35% (năm 2011) lên 83,86% (năm 2016).

Bộ máy tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từng bước được kiện toàn từ tỉnh đến huyện, xã, có sự phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng giữa các cấp, các ngành và đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị tại địa phương và khách du lịch triển khai có hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Kiên Giang đến du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, tại một số thời điểm tình trạng mua bán, sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục cho phép sử dụng còn phổ biến ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chế biến thủ công. Việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm chưa được tiến hành thường xuyên. Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ô nhiễm vi sinh và dư lượng các hóa chất độc hại trong thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Đoàn giám sát cũng đã tổ chức đi kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Đoàn giám sát đánh giá, công tác quản lí, kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm đã được các đơn vị thực hiện khá nghiêm túc. Nguồn nguyên liệu được kiểm định trước khi chế biến, xản suất theo quy trình khép kín nên dễ truy suất nguồn gốc nếu khi có sự cố. Đồng thời, Đoàn giám sát kiến nghị tỉnh cần xây dựng một cơ chế thông thoáng cho các đơn vị kinh doanh trên địa bàn để mở rộng quy mô sản xuất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hình thành ý thức tự chịu trách nhiệm từ người sản xuất đến cơ sở chế biến trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng khu cảng cá, mở rộng sân bãi, trang bị phương tiện bốc xếp hàng hóa để giảm thời gian vận chuyển, giúp công tác bảo quản thực phẩm được tốt hơn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị tỉnh Kiên Giang cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ quy định an toàn trong chăn nuôi, nhất là những hộ nhỏ lẻ. Tổ chức rà soát lại hệ thống văn bản quản lí trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, cần cụ thể hóa chủ trương bằng những việc làm thiết thực, sát với tình hình chăn nuôi địa phương; cần huy động nguồn lực từ cộng đồng tham gia vào các công đoạn sản xuất, chế biến theo hướng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng./.

Bùi Kiên (TN – http://vanphong.kiengiang.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Time limit is exhausted. Please reload the CAPTCHA.