Tự kinh doanh để theo đuổi đam mê sân cỏ, Bùi Thu Trang vừa mừng vừa lo khi trở thành nữ trọng tài Việt Nam đầu tiên được FIFA ghi danh ứng viên điều hành ở World Cup 2023.

Trọng tài Bùi Thu Trang sinh năm 1986 tại Hải Phòng, bắt đầu làm trọng tài từ 2011. Ảnh: Đức Đồng

Trọng tài Bùi Thu Trang sinh năm 1986 tại Hải Phòng, bắt đầu làm trọng tài từ năm 2011. Ảnh: Đức Đồng.

– Thu Trang đón nhận thông tin được FIFA chọn vào danh sách ứng viên trọng tài làm nhiệm vụ tại World Cup 2023 như thế nào?

– Tôi phấn khích lắm. World Cup là giấc mơ với bất cứ ai hoạt động trong lĩnh vực bóng đá, kể cả một trọng tài như tôi. Nhưng bên cạnh đó cũng là nỗi lo.

Bóng đá Việt Nam chưa có trọng tài nào được làm việc ở World Cup. Nên tôi cũng chưa tìm được chỗ học kinh nghiệm làm thế nào để “ghi điểm” và được FIFA chọn. Trong giới trọng tài Việt Nam, Trương Thị Lệ Trinh giàu kinh nghiệm làm việc ở các giải đấu của FIFA, nhưng chị ấy là trợ lý trọng tài. Quy trình của trợ lý với trọng tài khác nhau nhiều. Tôi chỉ biết tuân theo hướng dẫn của FIFA, cố gắng điều hành các trận đấu thật tốt khi được giao nhiệm vụ. Tôi tâm niệm cứ nỗ lực, biết đâu thành quả sẽ đến. Nếu được lựa chọn, đó sẽ là giấc mơ thành sự thật đối với tôi.

– Quy trình làm việc của FIFA dành cho những trọng tài như Thu Trang có gì đặc biệt?

– Tôi là trọng tài FIFA từ 2015. Hai năm sau, tôi được thăng cấp là trọng tài Elite, đẳng cấp cao nhất trong hệ thống của FIFA. Khi nằm trong danh sách này, ngày nào tôi cũng phải tập luyện và báo cáo, không sót buổi nào.

FIFA gửi cho tôi một phần mềm, cùng các thiết bị. Hàng ngày, tôi phải tập theo giáo án, khi thì tập sức mạnh, khi thì sức bền, khi thì tốc độ… Mọi hoạt động đều có máy móc đo lại, có cả theo dõi nhịp tim vận động. FIFA không trực tiếp giám sát, nhưng họ theo dõi được toàn bộ quá trình. Tập thiếu một chút sẽ bị nhắc nhở lập tức, chứ chưa nói tới chuyện “trốn tập”.

– Trình độ bóng đá Việt Nam mới đạt cấp độ khu vực nên chắc hẳn một trọng tài như chị cũng ít nhiều gặp khó khăn khi tham gia các giải quốc tế?

– Tôi từng được giao nhiệm vụ ở các giải nữ Đông Nam Á, Vòng loại Olympic… nên kinh nghiệm cũng ổn. Rào cản lớn nhất là ngoại ngữ. Tôi giao tiếp tiếng Anh tạm được, nhưng nói chuyện nhiều về chuyên môn thì chưa thật sự trôi chảy. Để giải quyết vấn đề này, hiện tại, tôi tham gia các khoá học tiếng Anh online cũng như tại lớp. Một khi ngoại ngữ tốt, tôi sẽ tự tin và làm nhiệm vụ tốt hơn.

Tôi đã làm nhiều giải quốc tế, nhưng World Cup vẫn ở một đẳng cấp khác. Nếu không có Covid-19, năm ngoái tôi đã được sang Qatar theo lớp tập huấn, chuẩn bị cho giải U17 thế giới. Chỉ hai ngày trước khi bay, FIFA báo hủy vì dịch bệnh. Nếu làm nhiệm vụ ở giải U17 World Cup, tôi sẽ có được nhiều kinh nghiệm hơn để hướng tới mục tiêu bắt ở giải vô địch thế giới.

– Bóng đá không phải là nghề thực sự được trọng vọng ở Việt Nam, nhất là với nữ giới. Điều đó càng đúng với các trọng tài. Tại sao chị lại chọn con đường này?

– Hoàn toàn từ một cú rẽ ngang bất đắc dĩ. Tôi vốn là cầu thủ, nhưng một tai nạn đã khiến tôi không thể chơi bóng đỉnh cao được nữa, và phải chuyển nghề.

Là con gái nhưng tôi mê bóng đá lắm. Năm 11 tuổi, tôi đã đăng ký thi đấu khi Hải Phòng tuyển chọn cầu thủ cho Đại hội Thể thao Toàn quốc. Càng chơi, tôi càng máu. Nhưng bóng đá nữ Hải Phòng không phát triển, nên năm lớp 11, tôi lên Hà Nội, đăng ký vào CLB Hà Nội, theo lời giới thiệu của chị Tuyết Mai.

Tôi tập được hai buổi thì HLV Nguyễn Anh Tuấn “chấm”, nói về mời bố mẹ lên ký hợp đồng. Lúc đó tôi sướng vô cùng. Thể hình tôi nhỏ, không phù hợp lắm với thể thao chuyên nghiệp nhưng vẫn đậu. Tôi từng bước cố gắng, đã được chơi ở giải VĐQG với vị trí tiền vệ trái và giành huy chương.

Nhưng năm 2007, đúng lúc sự nghiệp đang lên, tôi bị tai nạn xe máy, dẫn đến chấn thương đầu gối. Tôi vẫn có thể chơi bóng, nhưng phong độ đi xuống. Vậy là dù tiếc nuối, tôi buộc phải rẽ ngang. Tôi rời Hà Nội, vừa học Đại học TDTT ở Từ Sơn (Bắc Ninh), vừa đá cho Thái Nguyên theo dạng cho mượn. Trường tôi có lớp trọng tài, tôi thấy hợp quá nên đăng ký. Năm 2009, tôi xin nghỉ Thái Nguyên khi vẫn còn hợp đồng để chuyên tâm với nghề cầm còi.

So với nghiệp cầu thủ, công việc trọng tài của tôi suôn sẻ hơn. Năm 2011, tôi lần đầu tiên được phân công làm nhiệm vụ ở giải U19 Quốc gia tại Hà Nam. Không ngờ chỉ sau một trận, tôi được “chấm” để làm nhiệm vụ ở giải vô địch quốc gia.

– Mỗi mùa giải V-League đều chứng kiến việc các trọng tài nam hứng chịu chỉ trích. Với nữ giới như các chị thì thế nào?

– Trước đây các giải nữ của Việt Nam không được quan tâm lắm, các trọng tài nữ cũng vậy. Do đó, chúng tôi ít bị soi mói, cũng đỡ áp lực. Chúng tôi chỉ gặp chút vấn đề là các cầu thủ phản ứng. Nhưng nữ giới phản ứng cũng nhẹ nhàng hơn các đồng nghiệp nam nhiều. Vài năm gần đây, bóng đá nữ được quan tâm hơn, “lên sóng” nhiều hơn. Do vậy, chúng tôi cũng phải nỗ lực cải thiện để điều hành chỉn chu hơn.

Từ năm 2020 tôi đã được thử sức bắt các trận đấu của nam, ở giải sinh viên. Rõ ràng các trận đấu của nam nhanh hơn nữ rất nhiều. Vì vậy, chúng tôi phải có thể lực tốt hơn, tập trung hơn. Năm nay, Ban trọng tài VFF còn tính cho chúng tôi làm việc ở giải hạng Nhất. Tôi háo hức chờ đợi những điều thú vị phía trước.

Trọng tài Bùi Thu Trang (giữa) và trợ lý Trương Thị Lệ Trinh (phải) được FIFA chọn làm ứng viên làm nhiệm vụ tại World Cup 2023. Ảnh: Đức Đồng

Trọng tài Bùi Thu Trang (giữa) và trợ lý Trương Thị Lệ Trinh (phải) được FIFA chọn làm ứng viên làm nhiệm vụ tại World Cup 2023. Ảnh: Đức Đồng.

– Thu nhập từ nghề trọng tài của chị thế nào?

– Trọng tài nữ có bao giờ nghĩ đến chế độ đâu. Gần đây chế độ được nâng lên, với 2,5 triệu đồng mỗi trận cho trọng tài chính. Nhưng, các giải không nhiều nên thu nhập cũng hạn chế.

Các trọng tài nữ Việt Nam ai cũng có nghề khác để kiếm sống. Đa phần các đồng nghiệp của tôi đi dạy, hoặc làm trong công ty. Bản thân tôi thì kinh doanh lấy tiền nuôi đam mê. Tôi không thể làm trong các công ty được. Bình thường, một tháng tôi đi khoảng 12 ngày để làm nhiệm vụ bóng đá trong nước và quốc tế. Nghỉ nhiều như vậy, sếp nào chấp nhận nổi. Xác định vậy nên tôi chuyển qua kinh doanh. Tôi bán giày bóng đá online. Những ngày đi xa thì vẫn có thể chốt đơn, nhờ bố mẹ hỗ trợ chuyển hàng. May mắn chuyện buôn bán cũng tạm ổn nên tôi yên tâm để tập trung với đam mê.

– Việc đi liên tục ảnh hưởng thế nào tới chuyện gia đình?

– Tôi đi suốt nên chuyện tình cảm chưa suôn sẻ. Tôi năm nay 34 tuổi mà chưa lập gia đình nên bố mẹ cũng lo, giục suốt. Nhưng duyên chưa tới thì chịu thôi. Mà mất cái nọ thì được cái kia (cười). Chưa có gia đình nên tôi càng có thể chuyên tâm cho sự nghiệp hơn.

Lâm Thỏa 

Nguồn VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Time limit is exhausted. Please reload the CAPTCHA.