QUẢNG NGÃI- Người H’Re gói bánh tét theo cặp để cúng trâu và tặng cho thông gia trong cái Tết đầu tiên trai gái cưới nhau.
Ngày giáp Tết, cụ Phạm Thị Thung (80 tuổi, ở làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) chuẩn bị 5 kg gạo nếp, một kg đậu phụng, hành tỏi làm gia vị, rồi ra vườn cắt lá dong để nấu bánh bênh thênh (bánh Tết, bánh tét) truyền thống của người H’Re.
Bánh tét vợ chồng của người H’Re được gói theo cặp. Ảnh: Phạm Linh. |
Loại bánh này còn được gọi bằng một số tên khác như bênh tép (bánh gói) hay lả ru (bánh lá dong), luôn được buộc lại thành đôi trước khi bỏ vào nồi luộc, rồi dùng làm quà biếu của hai phía thông gia trong cái Tết đầu tiên con trai, con gái họ thành vợ chồng.
Chiếu gói bánh tét của cụ Thung nhanh chóng đông vui khi các cô gái trẻ trong làng tập trung đến. Bên nồi bánh chưng, cụ Thung kể rằng loại bánh này đã có từ lâu đời, bà được cha mẹ dạy cho làm từ bé, mỗi năm chỉ được gói một lần. Khi xưa, bánh chỉ có gạo nếp, rồi dần dần người H’Re mới học cách làm bánh có nhân của người Kinh.
Nồi bánh tét không cần đậy nắp, chỉ cần phủ lá lên trên rồi đè lại bằng hai thanh củi để bánh không bị trồi ra khi nước sôi. Thông thường, bánh sẽ được luộc chín trong vòng 3 – 4 giờ, sau ba lần đổ thêm nước lạnh vào nồi. “Những ngày giáp Tết trên này trời lạnh nên ai cũng thích cảm giác ngồi bên bếp lửa chờ bánh chính”, bà Thung nói.
Bà Thung (phải) quây quần cùng người thân bên nồi bánh tét. Ảnh: Phạm Linh. |
Còn ông Phạm Văn Nguyên, 75 tuổi, một nghệ nhân ở làng Teng kể rằng, nếu theo đúng phong tục thì trước khi gói bánh các gia đình phải rước thầy cúng làm lễ dọn dẹp nhà cửa, gọi là lễ Ta reo quang niêm (cúng dọn nhà cửa), để thực hiện việc Tóc la (lên lá).
Sau khi cúng xong, gia đình mới được phép rửa gạo, lá, các gia vị để gói bánh. Ngày trước, người H’Re thường đào một hố đất dài 2 – 3 m, sâu và rộng khoảng 60 – 70 cm để đặt nồi bánh lên. Còn củi dùng để nấu bánh thường là gốc tre đã chết khô. Khi bánh chín, người già nhất trong nhà sẽ làm một nghi lễ nhỏ, mời tổ tiên, thần linh về ăn bánh, gọi là lễ Xối menh.
Rạng sáng hôm sau, khi sương còn chưa tan, cả nhà phải ra chuồng trâu làm lễ cúng. “Trâu là linh vật của người H’Re, nó đã làm việc vất vả một năm để làm ra hạt gạo, nên lễ cúng này như một sự tri ân”, già Nguyên lý giải.
Già làng Nguyên kể, theo phong tục truyền thống, Tết đầu tiên sau khi vợ chồng ông cưới nhau, hai bên cha mẹ qua nhà nhau mang cho thông gia một gùi quà gồm: một gói mo cau thịt heo, một mo cau thịt gà, 5 cặp bánh tét vợ chồng và một ống rượu cần bằng ống tre. Những món quà vừa là tấm lòng của hai phía thông gia, vừa thể hiện rằng họ vừa có một năm no đủ, và gửi gắm hy vọng cho một năm mới no ấm, hanh thông.
Chị Phạm Thị Hòa, 30 tuổi, vẫn nhớ như in ký ức thuở nhỏ. “Khi đó ai cũng nghèo nên rất háo hức chờ bánh tét. Nhớ nhất là lúc cúng trâu, trẻ nhỏ chưa biết đi cũng được cha mẹ bế ra cúng. Vậy mới thấy con trâu quý thế nào”, Hòa nói. Theo Hòa, bánh tét vợ chồng theo cách gọi truyền thống của ông bà còn được những cô gái trẻ như cô gọi dí dỏm thánh bánh “ôm nhau”.
Cặp bánh tét được nấu chín sau khoảng 3 – 4 giờ. Ảnh: Phạm Linh. |
Phong tục tặng bánh cho nhau của các gia đình thông gia vẫn được người H’Re lưu giữ, dù nhiều đám cưới đã tổ chức theo cách của người Kinh.
Tộc người H’Re sinh sống ven dãy Trường Sơn và Tây Nguyên, trong đó huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi là nơi cộng đồng người H’Re tập trung đông nhất. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều phong tục đặc trưng của văn hóa H’Re.
Ngoài bánh tét, ngày Tết của họ không thể thiếu thịt trâu, chén rượu cần và những điệu múa chồng chiêng đắm say, ngây ngất.