Lượng hàng hóa trị giá khoảng 1.250 tỷ đồng phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017
3 Tháng Một, 2017Tỉnh Kiên Giang có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng hóa trị giá khoảng 1.250 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với năm 2016, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Hệ thống siêu thị Co.opmart phục vụ hàng hóa Tết – Ảnh minh họa
Theo đó, gần 20 mặt hàng thiết yếu như: gạo, nếp, đậu; thịt lợn, trâu, bò, gà, vịt; thủy – hải sản; trứng; rau, củ, quả; dầu ăn, nước chấm, gia vị; đường, sữa, bánh, mứt; chè, cà phê, rượu, bia và những sản phẩm hàng hóa khác. Bà Lê Thị Nhứt, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, cho biết do nhu cầu hàng hóa phục vụ mua sắm dịp Tết khá lớn, nếu không chuẩn bị chu đáo, không có dự trữ cần thiết sẽ xảy ra khan hiếm, sốt giá, thị trường biến động, ảnh hưởng bất lợi đến người dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tỉnh phối hợp với các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh kết nối cung cầu hàng hóa, đảm bảo nguồn hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân, bình ổn thị trường trong dịp Tết.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các ngành có liên quan và các địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu mối, thương nhân dự trữ hàng hóa nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng bị thiên tai. Hướng dẫn các Ban quản lý chợ, tiểu thương sắp xếp, bày bán hàng hóa gọn gàng, tăng cường phòng chống cháy nổ, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trong nhân dân tích cực thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hỗ trợ doanh nghiệp đưa những chuyến hàng bình ổn giá về phục vụ nhân dân vùng nông thôn sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Ngành chức năng phối hợp với các ngành hữu quan và các địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu, mua sắm, giá cả, nhất là những ngày áp Tết, kịp thời triển khai phương án dự phòng ứng phó, không để xảy ra khan hiếm hàng hóa, sốt giá và ổn định thị trường. Tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường trước, trong và sau Tết về giá, chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, hành vi đầu cơ, găm hàng, hàng gian, hàng giả gắn với kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm theo quy định. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới tiếp giáp với Campuchia, trên vùng biển, đường thủy nội địa và tại những khu vực chợ đầu mối./.